Ý nghĩa tên gọi ” Điện Biên”
Điện là “vững”, Biên là “biên giới”. Điện Biên là “Biên giới vững vàng” hay “Giữ vững vàng nơi biên giới”. Điện Biên Phủ có tên bằng tiếng Thái là Mường Thanh. “Mường Thanh” là đọc theo cách phát âm của tiếng Việt phổ thông. Nếu theo cách phát âm của tiếng Thái địa phương thì phải đọc là “Mướng Theng” (dấu sắc) trong từ “Mướng” đọc rất nhẹ. “Mướng Theng” là “Mường trời” – một cái tên thần thoại.
“Then” là “Trời”, còn “Mướng” là “Mường, vừa dùng để chỉ một châu, một huyện, vừa dùng để chỉ châu lỵ, huyện lỵ, tức là thủ phủ của châu ấy, huyện ấy. Cho nên Điện Biên hay Mường Thanh, theo nghĩa rộng là toàn bộ địa hạt của huyện (xưa kia là châu). Theo nghĩa hẹp, là khu vực thung – lũng – lòng – chảo. Điện Biên tuy không còn “Phủ” nữa nhưng dùng cả ba chữ “Điện Biên Phủ” để bảo tồn đầy đủ một cái tên cũ có giá trị, cũng là hay. Có điều là khi đã đặt chữ “Huyện” trước hai chữ “Điện Biên” thì bỏ chữ “Phủ” đi cho gọn.
“Mường” là một từ có nghĩa rất co giãn trong ngôn ngữ Thái. Có thể đó là một không gian vô hạn như “Mướng Thèn” là “Mường Phạ”, “Mướng Bon” đều chỉ “Cõi trời”, trong đó có “Ông trời” làm chủ.
“Mướng Phì” là “Cõi ma”, cõi của thần linh hay của những người đã khuất.
“Mường Cốn” là “Cõi trần”, cõi của những người đang sống. Có thể thu hẹp nghĩa lại – đó là khu vực của người dân tộc, như “Mường Lự”, vùng của người Lự, “Mường Táy”, vùng của người Thái… có thể đó chỉ là nơi tập hợp của các bản sở tại của một châu lỵ, huyện lỵ. Vì thế, Mường Thanh xưa kia là nơi tập hợp các bản sở tại của châu lỵ Điện Biên.
Một số từ mà chúng ta thường gặp trên phần bản đồ thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và phía Tây Thanh Hoá, Tây Nghệ Tĩnh nước ta, trên toàn bản đồ nước Lào anh em, ở kề liền Tây Bắc và miền Trung nước ta. Đó là những từ: Pú, Pom, Pá, Nặm, Huổi, Hong, Ná… đều thuộc ngôn ngữ Tầy, Thái, Việt, Lào.
Pú là núi. Pú Huổi Luông là ngọn núi cao nhất Điện Biên.
Pom là đỉnh núi, đỉnh đồi. Pom Lót là một quả đồi ở xế về phía Nam thung lũng Mường Thanh.
Pá là rừng. Pá Khoang là rừng trúc, nơi có công trình thuỷ lợi lớn nhất Điện Biên hiện nay.
Nặm là nước, biến nghĩa thành con sông, con suối. Nặm Rốn là con sông chính của thung lũng Mường Thanh.
Huổi là cái quãng suối mới ở trên núi chảy xuống. Huổi Phạ là một nơi có suối mà có một công trình thuỷ lợi đầu mối ở Điện Biên.
Hoong là khe, lạch. Hoong Cúm (mà người đồng bằng quen gọi Hồng Cúm).
Ná là ruộng, đồng. Nghĩa rộng là nơi có ruộng đồng. Nhiều bản làng có tên bắt đầu bằng “Ná”. Ná Sản là địa điểm khá rộng ở phía dưới thị xã Sơn La, nơi Pháp đã lập căn cứ không vận trước Điện Biên, nhưng phải rút lui vì bị đánh bại. Điện Biên cũng có nhiều bản nổi tiếng với những chiến dịch như Nà Tấu, Nà Nhạn…
Tỉnh Lai Châu Cũ.
Thị xã Lai Châu cũ nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên.
Thị xã Mường Lay thành lập ngày 8/10/1971 với tên gọi là thị xã Lai Châu. Trước ngày 18/4/1992 thị xã là tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ.
Sau khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành hai tỉnh Lai Châu (mới) và Điện Biên vào năm 2003, phần lớn thị xã Lai Châu cũ thuộc địa giới hành chính của tỉnh Điện Biên.
Ngày 2/3/2005, thị xã Lai Châu đổi tên thành thị xã Mường Lay (do trùng tên với thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu, nay là thành phố Lai Châu), huyện Mường Lay đổi tên thành huyện Mường Chà như ngày nay.
Sau năm 1954, địa bàn thành phố Điện Biên Phủ ngày nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu.
Năm 1991, thành lập thị trấn Điện Biên, huyện lỵ của huyện Điện Biên.
Năm 1992, thành lập thị xã Điện Biên Phủ – thị xã tỉnh lỵ Lai Châu bấy giờ.
Ngày 26/9/2003, chuyển thị xã ĐBP thành thành phố ĐBP.
Ngày 26/11/2003, chia tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu (mới) và Điện Biên. Thành Phố ĐBP trở thành tỉnh lỵ Điện Biên.
Trước năm 2002, địa bàn thành phố Lai Châu hiện nay tương ứng với thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Phong Thổ.
Ngày 14/1/2002, chia huyện Phong Thổ thành hai huyện Phong Thổ và Tam Đường, thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Tam Đường.
Ngày 26/1/2003, chia tỉnh Lai Châu cũ thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Huyện Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu mới, tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu đặt tại thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Tam Đường.
Ngày 10/10/2004, thành lập thị xã Lai Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Phong Thổ.
27/12/2013, thành phố Lai Châu được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Lai Châu.