Nhà nấm hay chính là nhà trình tường là công trình kiến trúc rất phổ biến ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Đây là những ngôi nhà được xây dựng bằng đất. Trong đất phải có sỏi nhỏ để tạo độ cứng với mục đích chịu các tác động từ bên ngoài. Và loại đất này có độ dẻo dai nhất định để tạo sự kết dính lớn.
Độc đáo những ngôi “nhà nấm” vùng biên!
Ở vùng Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai người Hà Nhì cũng làm nhà trình tường, nhưng nhà thường có kiến trúc theo dạng hình vuông, với bốn mái hình chóp, trên phủ rơm rạ hoặc cỏ tranh. Nhìn từ xa, những ngôi nhà trình tường vuông vức, phía trên những mái cỏ tranh tết lại như hình chóp nón nên có tên gọi là “nhà nấm”.
Nhà nấm thường rộng 60 – 80m², tường dày từ 40 – 60cm. Chiều cao 4 – 5m, ở chính giữa là cửa “tò vò” lối vào nhà chính, bên hông có cửa phụ mở ra chuồng trâu bò nằm kề bên nhà. Nhà nấm có tường bằng đất dày, kín gió, giữ nhiệt tốt nên mát mẻ vào mùa hè, rất ấm áp vào mùa đông.
Người Hà Nhì thường làm nhà trình tường vào cuối mùa vụ từ tháng 8 đến tháng 12 Âm lịch. Để làm một ngôi nhà hoàn chỉnh mất rất nhiều công sức và thời gian, có thể kéo dài từ 4 – 5 tháng ròng rã. Có thể phân chia công việc xây dựng nhà nấm của người hà nhì thành những công đoạn sau:
Các công đoạn làm nhà nấm:
1/ Chọn mẫu đất ưng ý và bắt đầu đào móng. Nền nhà được san phẳng với móng được xếp bằng trên những viên đá to, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê tông.
2/ Công đoạn trình tường. Đây là công đoạn công phu nhất. Đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, sau đó người thợ cầm chầy gỗ giã cật lực, giã đến khi nào mà đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ nẹp ra mà không rơi tức là đã hoàn thành tầng thứ nhất. Trải qua ròng rã hàng tháng trời nẹp, giã đất như vậy với 5 -6 tầng ván khuôn, đó là lúc ngôi nhà trình tường thành hình.
Cứ sau một lượt tầng, người thợ lại lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài làm cho mặt tường thật phẳng và mịn.
3/ Trình tường xong, người thợ tiến hành lắp cột nhà, các xà ngang phía trong. Loại gỗ phổ biến thường là gỗ pơ mu sãn có trên những vùng núi cao xứ lạnh.
4/ Công đoạn cuối cùng là lợp mái. Trước đây mái nhà thường làm bằng rơm rạ hoặc cỏ tranh. Ngày ngay do sự phát triển của các tấm lợp thuận tiện và bền hơn, nên mái rơm rạ và cỏ tranh dần được thay thế.
Nhà người Hà Nhì có kiến trúc rất độc đáo mà ít nhầm lẫn với những ngôi nhà của các dân tộc khác. Nơi cư trú của người Hà Nhì chủ yếu ở các khu vực núi cao của tỉnh Lai Châu và Lào Cai, giáp với Trung Quốc, gồm 3 nhóm địa phương: Cồ Chồ, Là Mi và Hà Nhì Đen. Dân số khoảng 26.000 người (2019).
Người ta chưa biết rõ nguồn gốc của người Hà Nhì, tuy tổ tiên họ, tộc người Khương, đã di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam từ trước thế kỷ thứ ba.Theo lời truyền miệng của người Hà Nhì thì họ có nguồn gốc từ người Di (Yi), tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt 50 đời về trước. Hiện nay, dân số người Hà Nhì tại Việt Nam khoảng 26.000 người.