Chợ Mường Hum thuộc xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Chợ cách trung tâm xã Y Tý 28km, Sapa 43km. Chợ Mường Hum là chợ phiên của người Dao Đỏ, H’mông, Giáy, Hán, Hà Nhì. Chợ chỉ họp vào sáng ngày chủ Nhật hàng tuần.
Độc đáo chợ phiên Mương Hum
Để khám phá và trải nghiệm chợ phiên Mường Hum du khách có thể lên kế hoạch cho 2 ngày nghỉ vào thứ Bẩy và chủ Nhật. Nếu khởi hành từ Hà Nội, lộ trình sẽ theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rồi ngược dòng chảy sông Hồng theo biên giới Việt Trung. Điểm đầu tiên sẽ là ngã ba Lũng Pô và cột cờ Lũng Pô – nơi sông Hồng chảy vào đất Việt. Điểm tiếp theo sẽ là “Thiên đường mây Y Tý” với điểm săn mây Ngải Thầu Thượng, những thung lũng ruộng bậc thang và những bản làng của người Hà Nhì. Kết thúc ngày thứ nhất với lộ trình 409km.
Ngày thứ hai của hành trình sẽ vào sáng ngày chủ Nhật. Du khách có thể thức dậy sớm ăn sáng, sau đó thăm quan công viên Choản Thèn – nơi thường tổ chức lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì. Tiếp tục băng quan khu rừng nguyên sinh Dền Sáng, thung lũng ruộng bậc thang Dền Sáng, rồi Sàng Ma Sáo du khách sẽ tới chợ phiên Mường Hum.
Chợ phiên Mường Hum chỉ họp duy nhất vào sáng chủ Nhật hàng tuần. Chợ nằm bên dòng suối Mường Hum thơ Mộng. Từ 6 giờ sáng những quầy hàng ở chợ bắt đầu được bầy bán trên những sạp hàng. Tiếp đó là những món hàng nông sản, nông cụ dược sản xuất thủ công từ trong các làng bản cũng được mang ra bày bán dọc theo con đường qua dòng suối.
Đồng bào ở Mường Hum chủ yếu là người Dao Đỏ, H’mông, Giáy, Hán, Hà Nhì. Phụ nữ thường đi bộ tới chợ để mua những món hàng thiết yếu dùng cho cả tuần. Trẻ em cũng theo mẹ ra chợ để được mua những món quà bánh, những món đồ chơi được mang lên từ miền xuôi.
Tới phiên chợ, những người phụ nữ Dao Đỏ thường tụm năm tụm bẩy, rồi tới cả mười lăm hai mươi người tụm lại để xem, mua hoặc trao đổi những nguyên liệu làm vải thổ cẩm. Người con gái Dao hay bất kỳ một nhóm dân tộc nào ở khu vực miền núi phía Bắc, khi trưởng thành đều biết dệt vải và thêu hoa văn.
Chợ Mường Hum cũng được chia thành nhiều gian hàng như: khu vực bán quần áo phổ thông, khu vực bản quần áo truyền thống dân tộc, khu ẩm thực, khu bày bán nhưng những mặt hàng thiết yếu, khu bán gia súc gia cầm.
Chợ Mường Hum còn giữ được khá nguyên vẹn những nét độc đáo của chợ phiên miền núi phía Bắc. Khách du lịch tìm đến chợ mường hum để có được những hình ảnh về một phiên chợ vùng cao thực sự, chưa bị mai một, chưa bị thương mại hóa. Chợ Mường Hum đã đi vào lòng du khách bởi tên gọi xa lạ mà thân thương, cảnh núi non bao bọc Mường Humg trùng diệp với những bản làng, với dòng “Suối Mường Hum Còn Chảy Mãi”.
By Dinh Vietnam